Tháng 11/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt khách, tăng gần 11% so với tháng trước và gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp Việt Nam đón số lượng khách quốc tế vượt quá 1 triệu lượt người, cho thấy triển vọng tích cực của ngành du lịch trong tương lai gần.

Khách quốc tế đến Việt Nam các tháng năm 2023
(Nghìn lượt người)

Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu là đón 8 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên đến tháng 8/2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 7,8 triệu lượt người, gần đạt mục tiêu đặt ra. Xuất phát từ triển vọng tích cực đó, tại Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương, quyết liệt thúc đẩy đổi mới xúc tiến du lịch; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch.

Đến tháng 9/2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,9 triệu lượt người, tiếp tục vượt  mục tiêu đặt ra. Theo thông lệ nhiều năm, khách quốc tế đến Việt Nam vào mùa cao điểm sẽ từ tháng 10 năm nay sang tháng 4 năm sau, do đó việc tăng chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lượt người lên 12 đến 13 triệu lượt người, gấp 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là hoàn toàn có căn cứ và khả thi. Theo Cục Du lịch Quốc gia, có 4 cơ sở để tăng mục tiêu đón 12 đến 13 triệu khách quốc tế năm 2023, đó là: (1) Chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới, trong đó thời hạn thị thực điện tử được nâng lên từ 30 đến 90 ngày có hiệu lực từ 15/8/2023; (2) Chính sách đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam với khu vực và thế giới ngày càng hiệu quả; (3) Chủ trương chấn hưng văn hóa với các di sản trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, hấp dẫn khách quốc tế và (4) Các thị trường lớn đã mở cửa trở lại và phục hồi, cũng là các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ đem lại nguồn khách lớn.

Tính đến 11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Tháng Mười Hai có nhiều kỳ nghỉ lễ lớn hứa hẹn tạo sự đột phá cho du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu mới. Trong tổng số hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 9,8 triệu lượt người, chiếm 87,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt hơn 1,3 triệu lượt người, chiếm 11,9% và gấp 4,1 lần; bằng đường biển đạt 87,9 nghìn lượt người, chiếm 0,8% và gấp 102,8 lần.

Khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2023 phân theo vùng lãnh thổ

Top 10 thị trường khách quốc tế tới Việt Nam năm 2023 cũng có những thay đổi so với trước dịch Covid-19. Năm 2019, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, sau đó mới đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; Nga, Anh, Pháp cũng là những nước có số lượt khách đến Việt Nam nằm trong top cao. Tuy nhiên, 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam hiện nay gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, Ôx-trây-li-a, Ấn Độ. Tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở châu Âu sau khi xảy ra chiến sự Nga – Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến việc đi du lịch của nhóm khách hàng khu vực này.

10 thị trường quốc tế có số lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất
11 tháng năm 2023

Để đạt được những thành tích đáng khích lệ như vậy, ngay từ đầu năm 2023, toàn ngành du lịch đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều chính sách phục hồi và phát triển du lịch, đồng thời các địa phương và doanh nghiệp cũng đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, hoạt động du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực của Ngành. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia. Sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới, sự phục hồi du lịch chưa đồng đều ở một số địa phương. Công tác quản lý điểm đến có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, để xảy ra hiện tượng tăng giá dịch vụ, giá vé máy bay, nhất là trong các dịp lễ tết, chèn ép du khách. Đây là những thách thức ngành Du lịch cần vượt qua để du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, tạo việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau.