Lịch sử, ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) hay còn gọi là lễ hội Đền Hùng diễn ra tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì , Phú Thọ. Đây là ngày hội truyền thống để tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng, được nhân dân ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài thành kính kỷ niệm.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười.”
Lễ hội Đền Hùng
Sử cũ ghi rằng ông vua đầu tiên ở nước ta họ Hồng Bàng là Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con trai là Sùng Lãm tức Lạc Long Quân, Ông lấy bà Âu Cơ sau đó sinh hạ được 100 người con trai, 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển để lập cơ nghiệp dài lâu. Con trai trưởng được Lạc Long Quân phong làm Vua nước ta, lấy hiệu là Hùng Vương.
Vua đặt tên nước là Văn Lang lấy đất Phong Châu ( Phú Thọ) làm thủ phủ. Vua quan đều cha truyền con nối qua 88 đời nhưng lịch sử ghi lại được 18 đời vua Hùng,vua thứ nhất là Kinh Dương Vương tên thật là Lộc Tục và Vua Hùng cuối cùng( thứ 18) là Hùng Tuyên Vương tên thật là Huệ Lang, các đời Vua Hùng trị vì nước ta lâu nhất khoảng hơn 2000 năm.
Theo truyền thống từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến nhà Hậu Lê và các triều đại phong kiến sau này đều tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ đấng Thánh Tổ nước Nam xưa và ngày nay đã trở thành ngày Quốc lễ của Việt Nam và lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tổ chức. Từ năm 2007 nhà nước ta đã chính thức quy định ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và UNESCO đã chính thức công nhận”Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng” là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại đại diện cho nhân loại.
Nhà nước ta đã giao cho UBND Tỉnh Phú Thọ chủ trì giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch. Trong dịp này các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ, Quốc hội thường về dự lễ dâng hương cùng với các đại biểu của các cơ quan của nhà nước bộ, ban, ngành và các địa phương trong cả nước cùng với nhân dân, đồng bào cả nước về dự lễ hội. Bên cạnh đó rất nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi mang đậm bản sắc dân tộc được tổ chức tại đây trong dịp này.
Thông thường sau lễ dâng hương và lễ vật ở đền Thượng, các đại biểu và nhân dân tiếp tục lễ dâng hương, hoa tại đền Quốc tổ Lạc Long Quân và đền mẫu Âu Cơ trong khu di tích Đền Hùng. Ngoài ra các hoạt động khác như nấu bánh chưng, giã bánh dầy, tổ chức liên hoan hát Xoan và xem triển lãm về các tư liệu, hiện vật nhân dân cả nước cung tiến Đền Hùng, các hoạt động thể thao như thi đấu bóng chuyền, bơi chải truyền thống trên sông Lô cũng được tổ chức rất sôi nổi tạo cho không khí lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam.
Ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Quốc giỗ và cả nước được nghỉ lễ. Khắp các địa phương từ Bắc vào Nam đến các làng bản xa xôi đều long trọng hưởng ứng ngày Quốc Giỗ nhằm tưởng nhớ công ơn tôn vinh tổ tiên những người đã có công dựng nước và giữ nước.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với mục đích tăng cường văn hoá tín ngưỡng truyền thống của người Việt, mặt khác cũng tăng cường sự đoàn kết các dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc Việt Nam. Đây là nghi lễ cần được giữ gìn và phát huy giúp cho mọi người dân Việt Nam hiểu được lịch sử dân tộc và tổ tiên họ.
Hữu Như
Nguồn Dân Trí
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.
Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Comments are closed.