Phía sau thiên đường du lịch là… rác nhựa
Các chuyên gia Thái Lan kêu gọi cần nhìn nhận vấn đề rác nhựa một cách nghiêm túc và đưa ra biện pháp giải quyết do các tác hại của loại rác này.
Nhật báo The Nation (Thái Lan) ngày 6-5 đã đăng một bài viết trích dẫn lại câu chuyện trên. Với tựa đề “Báo động vì Thái Lan chìm trong rác nhựa”, bài viết đã kêu gọi chung tay giải quyết vấn đề thải rác nhựa bừa bãi ra môi trường.
Ông Tara Buakamsri – Giám đốc văn phòng Greenpeace khu vực Đông Nam Á tại Thái Lan, cảnh báo tình trạng rác nhựa tràn lan là một vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
“Vấn đề rác nhựa thật sự nghiêm trọng, y hệt các vấn đề môi trường mang tính toàn cầu khác. Nhưng chúng ta lại không chú ý đến vì nó không xuất hiện trước mắt chúng ta, mãi cho đến những năm gần đây” – ông Tara cho biết.
Theo ông, loại nhựa được chiết xuất từ dầu mỏ có thể gây ảnh hưởng lên sức khỏe con người và động vật. Chúng có thể sản sinh ra các loại chất gây ung thư, trong khi có thể đi vào chuỗi thức ăn của các sinh vật biển nếu được thải ra đại dương.
Ông cũng trích dẫn báo cáo hồi năm 2017 của Cơ quan tài nguyên biển và duyên hải Thái Lan (MCRD) nhấn mạnh ít nhất 300 loài sinh vật dưới biển đã chết do ăn phải các loại rác nhựa mỗi năm, với 60% trong số đó là cá voi và cá heo.
Chỉ 0,5% tấn rác nhựa có thể được sử dụng lại được trong khi 1,5 triệu tấn rác nhựa chất đống tại các bãi rác khổng lồ hoặc ở những nơi khác. 80% trong số 1,5 triệu tấn nhựa này là các túi ni lông sử dụng một lần.
“Mặc dù nhựa là chất liệu lâu bền nhưng chúng ta chỉ dùng chúng trong một thời gian ngắn. Do đó, chúng ngày càng chất đống cùng các loại rác ẩm ướt trong môi trường. Chúng vẫn nằm ở đó trong nhiều năm vì không thể phân hủy” – cơ quan PCD nhấn mạnh.
Nhà sinh thái học Thái Lan, ông Thon Thamrongnawasawat cho biết Thái Lan đã trở thành quốc gia đứng thứ sáu trong số những nước thải rác nhựa, hầu hết là nhựa sử dụng một lần, vào đại dương nhiều nhất. Ông nói thêm sông Mê Kông đã được xếp vào “tốp” 10 con sông ô nhiễm do rác nhựa.
Nhà sinh thái học Thái Lan kêu gọi cần đẩy mạnh thực hiện ba biện pháp chính là hạn chế dùng, tái sử dụng và tái chế để giải quyết vấn đề rác nhựa.
Bình An – TTO
Comments are closed.