TỪ KÊNH LAUCH NGHĨ VỀ ĐẦM CHUỒN
Ai đã đến Colmar – một thành phố nhỏ miền Đông Bắc nước Pháp – mà không tìm về làng Krutenau được mệnh danh là “tiểu Venice” (La petite Venis) thì xem như chưa đến Colmar. Tại sao là “tiểu Venice”? Là vì Krutenau nằm trên bờ kênh Lauch nơi tụ tập nhiều thuyền nhỏ để chở du khách đi thưởng ngoạn cảnh đẹp hai bên bờ kênh.
Chàng lái thuyền trên kênh Lauch
Khách tìm đến Colmar bằng xe nhà đi từ Đức qua khoảng hơn hai tiếng đồng hồ. Khi đi trời còn sương sớm, tới Colmar nắng vừa lên. Loanh quanh khám phá thành phố cổ nhỏ mà xinh với nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc đẹp, khách phát hiện một dòng nước chảy róc rách trong thành phố. Lần dò theo dòng nước dẫn khách tới kênh Lauch. Đứng trên cái cầu nho nhỏ dài chỉ khoảng mươi mét bắt ngang bờ kênh khách thấy nhiều thuyền gỗ nhỏ xíu xuôi xuôi, ngược ngược; mỗi thuyền chở khoảng 10 du khách. Khách nhủ, thuyền chở khách đi đâu?
Rong ruổi theo những con phố nhỏ rồi cũng tới bến thuyền, thấy khách du lịch xếp hàng dài để mua vé lên thuyền, khách cũng nối đuôi. Móc hầu bao vài chục Euro mới có được cái vé thế mà lại phải xếp hàng tiếp vì tất cả thuyền đều đang chở khách. Một hàng rồng rắn kiên nhẫn đứng chờ đến khi có thuyền ghé bến trả khách cũ lên bờ thì khách mới được lên thuyền.
Khách tự nhủ, quốc gia của mình là vùng sông nước, cái chuyện lênh đênh trên con kênh nhỏ xíu này không xa lạ gì. Thế mà mình phải bỏ nhiều công của mới qua được Colmar rồi tốn thêm vài chục Euro mới ngồi được trên thuyền đi dọc tuyến kênh Lauch. Do vậy phải căng hết mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ra mà quan sát, học hỏi để biết dịch vụ sông nước của bạn là như thế nào?.
Du khách kiên nhẫn xếp hàng chờ lên thuyền
Người lái thuyền là một chàng trai khoảng hơn hai mươi tuổi, mặc quần jean, áo thun chữ T màu trắng. Chàng ta có gương mặt sáng sủa, nói năng rõ ràng, tác phong nhanh nhẹn; khách nghĩ, phải chăng sinh viên làm ngoài giờ?. Đầu tiên, chắc là theo quy trình, chàng chào khách bằng tiếng Pháp rồi hỏi bằng tiếng Anh: “Quý khách muốn nghe tôi kể chuyện về thành phố nhỏ của tôi bằng tiếng Pháp, Ý, Đức, Anh, Thụy Sĩ…?”. Cả đoàn thống nhất nghe tiếng Anh. Khúc dạo đầu này hơi bị hoành tráng.
Chàng cho thuyền lướt trên mặt nước một cách êm ru, không nghe tiếng máy nổ, rồi bắt đầu kể lịch sử, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực và con người thành phố cổ Colmar. Chàng ta nói rằng…
Colmar được phát hiện vào thế kỷ thứ IX và từng là địa điểm được Hoàng đế Charles III (Charles the Fat) chọn làm nơi để tổ chức các buổi ăn kiêng. Colmar cũng chính là nguyên quán của Frédéric Auguste Bartholdi (1834-1904), người chế tác bức tượng nữ thần Tự do mà nước Pháp dành tặng cho nước Mỹ.
Colmar có nhiều con phố mang đậm dấu ấn kiến trúc Đức, là vì suốt hàng trăm năm Colmar là vùng tranh chấp giữa Pháp và Đức. Thế nhưng, vào thế chiến thứ II, các bên đều không đành lòng đánh bom phá hủy vì Colmar quá mỹ miều.
Đến Colmar quý khách nhớ mua quà lưu niệm là những chú Cò. Với người Colmar, Cò tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, giàu có. Cò cũng tượng trưng cho trẻ sơ sinh, trong trẻo, niềm vui gia đình.
Bánh Kugelhopf với nho khô và đường bột phủ lên trên
Quý khách cũng đừng quên nếm thử tarte flambée – loại bánh trông giống pizza nhưng đế mỏng hơn, phủ phô mai, sốt kem, hành và thịt muối. Món này quý khách dùng chung với xà lách và rượu vang Colmar sản xuất thì quên đường về (cười).
Colmar còn nổi tiếng với các loại bánh ngọt. Trong số này, Kugelhopf là loại đặc trưng nhất với nho khô và đường bột phủ bên trên. Mời quý khách thưởng thức và mua về biếu người thân nhé.
Thuyền chạy qua một đoạn kênh hai bên bờ không có nhà, chàng ta tắt máy để thuyền trôi, đưa tay lên môi “suỵt suỵt” (ý nhắc du khách im lặng) để lắng nghe chim hót. Cả thuyền ngồi yên như thiền, người dịu xuống, hít thở đều, dõng tai nghe. Nói thiệt, chim máy hót hay là chim trời hót khách chưa dám khẳng định, nhưng để thuyền trôi, mời du khách im lặng nghe chim hót thì chàng lái thuyền này quả là cao thủ trong ngành hướng dẫn du lịch. Chàng thì được mươi phút giải lao; khách cũng thư giãn cho lại sức.
Trên tuyến kênh khoảng 2km đi và 2km về mất chừng 45 phút, du khách trên thuyền được nghe anh chàng chèo thuyền kể chuyện “thành phố nhỏ của tôi”. Nhiều đoạn du khách vỗ tay vì thú vị, đôi chỗ rộ lên cười vì dí dỏm và nheo nheo mắt khi nhận ra anh chàng lái thuyền đang “tiếp thị địa phương”.
Bước lên bờ nghe cái bụng réo đói, nhớ lời chàng chèo thuyền, khách tìm một quán nhỏ trong hàng trăm quán nhỏ cạnh bờ kênh Lauch gọi một phần xà lách Colmar và tarte flambée (pizza đế mỏng), không quên tráng miệng với bánh Kugelhopf nổi tiếng xứ này. Tất cả các món đều ngon và đẹp. Khách mất tiêu tờ 100 Euro hồi nào không biết!
Tác giả Tạ Thị Ngọc Thảo tại kênh Lauch – Colmar Pháp
Lẽ nào, Đầm Chuồn buồn như con chuồn chuồn?
Đọc báo biết tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận Điểm du lịch sinh thái Đầm Chuồn, bài báo còn kèm theo ảnh đẹp mê ly, khách liền mua tour và dành nguyên buổi chiều để thưởng ngoạn Đầm Chuồn. (http://www.qtv.vn/du-lich/201904/thua-thien-hue-cong-nhan-diem-du-lich-sinh-thai-dam-chuon-2438410/)
Điểm đón khách ở Phố Tây lúc 14g30 rồi sử dụng xe 7 chỗ chở khách tham quan (rừng) Rú Chá trước khi đến Đầm Chuồn. Anh hướng dẫn khoảng ba mươi tuổi, dáng người dong dỏng, gương mặt ưa nhìn, nụ cười thân thiện. Anh đưa khách đi dọc theo tuyến đường bê tông vô một ngôi nhà nằm ẩn mình trong Rú Chá. Gặp hai người lớn tuổi ngồi trong nhà, anh giới thiệu “Đây là đôi vợ chồng lão nông tự nguyện lên canh giữ Rú Chá”. Khách cúi đầu chào.
Rời ngôi nhà của hai vị “lão nông tự nguyện” anh hướng dẫn đưa khách đi sâu vô Rú Chá. Càng vào sâu Rú Chá càng huyền ảo và kỳ bí. Nhưng, tiếc thay khách muốn xài chút tiền cũng không có ai bán. Từ lúc khách bước vào Rú Chá và quay lại xe chỉ khoảng 20 phút. Chưa vương vấn đã vội chia tay.
Xe tiếp tục khởi hành chở khách tới bến thuyền Đầm Chuồn. Đón và chở khách bằng thuyền trên Đầm Chuồn là một phụ nữ trung niên. Suốt tuyến đường thủy anh hướng dẫn và chị lái thuyền miệng luôn tươi cười nhưng, không nói điều gì! Khách phóng tầm mắt ra xa thấy có nhiều ngôi nhà sàn nho nhỏ dựng đơn sơ trên mặt nước; cũng có một ít nhà sàn lớn dựng tươm tất hơn (nhưng không biết nhà sàn dựng lên để làm gì?). Khách còn thấy có rất nhiều hàng rào bằng cây đan chéo qua chéo lại trên Đầm (cũng không hiểu để làm gì?). Nắng chiều xuyên qua hàng rào cây, nắng loang loáng trên sóng nước, nắng đọng trên những bụi cây, nắng phủ mấp mé những ngôi nhà sàn; tất cả rực rỡ và bình yên. Đầm Chuồn thanh bình đến nao lòng.
Thuyền chạy khoảng 15 phút thì ghé vào một cái cồn nổi có cái cổng bằng tre, trên bảng hiệu có dòng chữ “Đầm Chuồn Lagoon”. Tại đây có vài ngôi nhà sàn dựng lên để khách du lịch ăn, uống và ngắm cảnh. Còn có một ngôi nhà đơn sơ dựng trên mặt đất làm bếp chế biến thức ăn cho tất cả du khách bước lên cồn.
Trong tour có luôn bữa cơm chiều. Khách ngồi vào bàn, thức ăn nhanh chóng được dọn lên. Bữa ăn gồm 6 món, trong đó có 5 món chiên và xào. Món còn lại không chiên, không xào đó là khóm tráng miệng.
Bữa cơm chiều nhanh chóng trôi qua, đã đến lúc khách quay xuống thuyền để trở lại vô bờ. Hoàng hôn dần buông xuống Đầm Chuồn, mặt nước liên tục chuyển màu theo mây, mây thì chuyển màu theo mặt trời lặn. Đầm Chuồn lúc này đa sắc như một bức tranh trừu tượng. Khách ngây ngất trước cảnh sắc lung linh mộng mị thực ảo.
Lẽ nào níu kéo du khách chỉ là sự kỳ bí của Rú Chá và lộng lẫy của mây nước Đầm Chuồn?
Càng vào sâu Rú Chá càng huyền ảo và kỳ bí
…
Đóng vai là một du khách quốc tế hoặc du khách Việt Nam ở tỉnh thành khác lần đầu đến Huế, khách tự hỏi: Rú là gì? Chá là gì? Diện tích Rú Chá là bao nhiêu? Tại sao Rú Chá mọc ở đây mà không mọc nơi khác? Chá đóng góp gì cho kinh tế, sinh thái và thu nhập của người dân địa phương? Đầm Chuồn ở vị trí nào, có liên quan gì đến Phá Tam Giang, Cầu Hai? Đầm Chuồn có bao nhiêu dân cư? Bà con mình làm gì để sống ở Đầm Chuồn? Hàng rào bằng cây đan chéo qua chéo lại trên mặt nước để làm gì? Đặc sản nào của Đầm Chuồn du khách có thể mua về? Món ăn nào, thức uống nào khiến du khách phải tìm đến “Đầm Chuồn Lagoon” để thưởng thức? Câu hò, điệu múa nào của bà con Đầm Chuồn níu chân du khách không thể rời đi? Lịch sử của Đầm Chuồn như thế nào để khi du khách ra về lòng còn vấn vương quay lại? Và cũng như Rú Chá, ở Đầm Chuồn khách muốn xài chút tiền cũng không có gì để mua! Tại sao không có một chợ nổi trên Đầm Chuồn nhỉ?
Chưa đi chưa biết Đầm Chuồn
Đi rồi lại thấy lòng buồn mênh mang
“Ai đến Huế mà chưa đến Đầm Chuồn là coi như chưa đến Huế”
Tin rằng, nếu Sở Du lịch giúp bà con Rú Chá và Đầm Chuồn xây dựng sản phẩm du lịch và hướng dẫn cách quản lý điểm đến, thì không bao lâu nữa du khách đến Thừa Thiên Huế sẽ truyền nhau câu nói: “Ai đến Huế mà chưa đến Đầm Chuồn là coi như chưa đến Huế”.
Mong lắm thay.
Tạ Thị Ngọc Thảo
Comments are closed.