Phải chăng Việt Nam đang mất điểm trong mắt du khách phương Tây?

Mặc dù du khách phương Tây không hấp dẫn gì hơn so với du khách Đông Á, nhưng việc ngành du lịch Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nhóm du khách trong nước và khu vực có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lâu dài của ngành.

Phải chăng Việt Nam đang mất điểm trong mắt du khách phương Tây?
Du khách thưởng thức cocktail dưới ánh hoàng hôn trên du thuyền Emperor Cruise Hạ Long

Cuộc phỏng vấn gần đây của TheLEADER với ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton, rất thú vị đối với tôi, một người Mỹ từng đi du lịch khá thường xuyên ở Việt Nam trong những năm qua. Tôi đồng ý với ông Atkinson ở chỗ, một hệ thống thị thực cởi mở hơn sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ thêm về việc phát triển ngành du lịch của Việt Nam từ góc nhìn phương Tây.

Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 2002 khi còn là sinh viên đại học, và đã trở lại nhiều lần trước khi định cư ở đây vào năm 2012. Còn nhớ, vào những năm 2000, chiến dịch quảng bá du lịch được xây dựng dựa trên chủ đề “vẻ đẹp tiềm ẩn”. Khi ấy, cô vợ chưa cưới người Việt của tôi (nay là vợ) nói rằng người dân hay chế giễu khẩu hiệu này. Nhưng dù sao nó cũng thể hiện đúng tinh thần về sức hút của Việt Nam với du khách phương Tây thời bấy giờ.

“Vẻ đẹp” của Việt Nam bắt nguồn từ một phông nền văn hoá – lịch sử hấp dẫn và kỳ lạ. Dù ta hoàn toàn có thể tới Việt Nam để chạm tới những nét đẹp đó, nhưng đất nước này vẫn “náu mình” tránh được sự xô bồ từ đám đông và sự phát triển thô bạo của thế giới.

Ngành du lịch Việt Nam đã phát triển mạnh trong 15 năm qua, phần lớn là theo hướng tốt hơn. Rõ ràng cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở các điểm du lịch có tiếng. Tiêu chuẩn của nhà hàng và khách sạn cũng tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên, dường như Việt Nam đã mất đi nét “tiềm ẩn” đã làm nên sức hút của mình bấy lâu. Số khách du lịch (cả trong và ngoài nước) tăng vọt dù ngành du lịch vẫn giậm chân tại chỗ với vài địa điểm nổi tiếng. Những nơi này đã chẳng còn gì để khám phá nữa.

Ví dụ rõ nhất có lẽ là khu vực Đà Nẵng – Hội An. Khi tôi tới Việt Nam lần đầu, khách sạn Furama là khu nghỉ dưỡng hiện đại quy mô lớn duy nhất suốt chiều dọc bãi biển Mỹ Khê, và phố cổ Hội An vẫn vô cùng tĩnh lặng với rất ít du khách. Ngày nay, toàn bộ dải cát từ Đà Nẵng đến Hội An dường như đã bị các khách sạn và công trường xây dựng chiếm đóng. Phố cổ Hội An vẫn đẹp, nhưng gần như căn nhà nào cũng đã biến thành cửa hàng lưu niệm. Mỗi tối, du khách đi lại ngợp cả phố.

Tôi không muốn cảm tính ở đây. Sự tăng trưởng của ngành du lịch rõ ràng là có lợi cho du khách, những người có thể tận hưởng kỳ nghỉ bất chấp đám đông, cũng như giúp ích cho những người kiếm sống nhờ du lịch và các ngành liên quan. Tuy nhiên, tôi cực kỳ hy vọng các khối quản lý và doanh nghiệp ngành du lịch chú ý hơn đến việc phát triển các điểm đến khác. Xét cho cùng, Việt Nam vẫn còn rất nhiều nơi đẹp và thú vị!

Vẻ đẹp của đất nước còn đó, nhưng gần đây ngành du lịch vẫn chưa thực sự nỗ lực để tận dụng thế mạnh ấy. Từ những gì tôi thấy, hầu hết các khách sạn mới của Đà Nẵng đều rất lớn và đắt đỏ. Sức hút của các dự án này chủ yếu đến từ cơ sở vật chất rộng rãi, sạch sẽ và sang trọng. Tuy nhiên, quy mô khổng lồ của các dự án này khiến chúng không thể hòa hợp với cảnh sắc tự nhiên. Vì phải phục vụ nhiều khách, nên dịch vụ ăn uống và phòng ốc cũng khó đạt mức chất lượng cao được. Bên cạnh đó, các khu nghỉ dưỡng này thường mang vẻ chung chung, gần như không có chút nỗ lực nào để gợi lên vẻ đẹp văn hoá Việt.

Những khu nghỉ dưỡng kiểu này rất phổ biến với du khách Trung Quốc và Việt Nam – những người thường đi du lịch theo nhóm lớn. Tuy nhiên, với mức giá đắt đỏ và kiến trúc đó, chúng sẽ không hấp dẫn được các du khách phương Tây, những người thường đi theo các nhóm nhỏ và mong muốn những trải nghiệm gần gũi hơn với văn hóa bản địa.

Phải chăng Việt Nam đang mất điểm trong mắt du khách phương Tây? 1
Phố cổ Hội An về đêm

Du khách phương Tây không hấp dẫn hơn hay xứng đáng được chào đón hơn so với du khách từ Đông Á, và sẽ rất vô lý nếu chỉ định hướng du lịch theo thị hiếu phương Tây không thôi. Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhóm du khách trong nước và của khu vực có thể tác động xấu đến sự phát triển của ngành du lịch về lâu dài. Nhỡ đâu vì lý do gì đó lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam sụt giảm? Nếu du khách Việt và Trung Quốc không còn hứng thú với những khu nghỉ dưỡng đắt đỏ kia thì phải làm sao?

Đa dạng hoá là yếu tố quan trọng của bất kỳ chiến lược kinh doanh nào. Một ví dụ điển hình cho hậu quả của việc thiếu sự đa dạng là ngành du lịch sớm nở tối tàn tại thành phố Atlantic, Mỹ.

Ngành công nghiệp dịch vụ khách sạn của thành phố Atlantic bùng nổ trong những năm 1980 – 1990 sau khi hoạt động đánh bạc được hợp pháp hóa. Trong những năm cao điểm, các khách sạn có sòng bạc thuê 50.000 lao động và tạo ra nhiều doanh thu hơn cả dải Las Vegas nổi tiếng.

Tuy nhiên, cuối thập niên 90, các nhà đầu tư như MGM, Wynn và Las Vegas Sands đã bắt đầu xây dựng các dự án công phu hơn ở Las Vegas để hướng đến thị trường rộng lớn hơn. Những “khu nghỉ dưỡng tích hợp” này có các trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện đẳng cấp thế giới, cũng như các khu mua sắm và giải trí thân thiện cho gia đình bên cạnh sòng bạc. Trong khi đó, thành phố Atlantic không thể vượt qua cái bóng danh tiếng của hoạt động đánh bạc. Du lịch vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách đến trong ngày và ở lại ngắn ngày từ khu vực New York và Philadelphia.

Sức hút duy nhất của Atlantic bỗng bị đe dọa khi các địa phương khác ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ bắt đầu cho phép các sòng bạc hoạt động. Sự tăng trưởng liên tục của các hãng hàng không giá rẻ khiến việc đi nghỉ cuối tuần ở Miami hay Las Vegas trở nên dễ dàng hơn. Khi du khách từ New York và Philadelphia bắt đầu nhạt tình với Atlantic, các sòng bạc thất thu nhanh chóng. Vài sòng bạc lớn phá sản chỉ trong vài năm. Từ đó trở đi, những tòa nhà này dần trở thành đống phế tích làm lấm lem cả bờ biển New Jersey.

Cá nhân tôi nghi ngờ rằng tương lai của Đà Nẵng cũng sẽ ảm đạm như Atlantic. Đau đớn thay, các địa điểm nổi tiếng khác như Nha Trang hay Phú Quốc về cơ bản đang sao chép mô hình phát triển du lịch của Đà Nẵng, đó là tập trung vào các dự án khu nghỉ dưỡng và căn hộ khách sạn (condotel) quy mô lớn phục vụ các gia đình trong nước và khu vực.

Việt Nam cho thấy rất nhiều tiềm năng, nên tôi nghĩ Việt Nam có thể thu hút được nhiều du khách phương Tây hơn nếu có thêm nơi lưu trú và hoạt động phù hợp với thị hiếu của họ. Chỉ với cách đó, Việt Nam mới có thể thu hút thêm nhiều du khách ngoài phân khúc “Tây ba lô”.

Michael Modler –  Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty tư vấn GIBC

Nguồn: The Leader

 

Comments are closed.

Mỗi Người Là 1 Sứ Giả !

X