AI CẬP VÀ GIẤC MƠ AI CẬP
Khách bay đến Cairo vào một buổi chiều mưa, người Ai Cập ai cũng hớn hở chào đón cơn mưa vàng hiếm hoi rớt vào vùng Bắc Phi, riêng khách thì lúng túng. Biết Cairo lạnh dưới 100C khách đã chuẩn bị áo ấm rồi, nhưng cầm theo áo mưa để sử dụng ở một quốc gia 90% là sa mạc thì khách không lường nổi.
Ai Cập
Nếu Việt Nam mình có diện tích 310.060 km2 thì Ai Cập lớn tròm trèm gấp ba lần 1.010.407 km². Nếu dân số Việt Nam tính đến ngày 27/2/2019 là 97.111.404 người thì, cùng thời điểm, dân số Ai Cập nhỉnh hơn một chút 100.560.294 người; đông dân nhất khối Ả Rập. Dù tình trạng bất ổn an ninh kéo dài, suy trầm kinh tế nhiều năm liền, thế nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2018 vẫn đạt 13.526 USD/người, hạng 92 (Việt Nam cùng thời điểm đạt 7.378 USD/người, hạng 124). Ngoạn mục hơn, sau vài năm tụt hạng, năm 2018 Ai Cập đã quay trở lại đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia giàu nhất châu Phi 1.292.745 tỷ USD (nguồn quỹ tiền tệ quốc tế 2018).
Cộng hòa Ả Rập Ai Cập ở phía Bắc châu Phi, có biên giới với Libya ở phía Tây, Sudan ở phía Nam, Israel ở Đông Bắc. Bất ổn chính trị và khủng bố liên miên cũng từ những đường biên giới này. Ai Cập có địa chính trị rất chiến lược, là cầu nối lục địa (eo đất Suez) giữa châu Phi và châu Á. Cầu nối đường thủy (kênh đào Suez) giữa biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương (thông qua Biển Đỏ). Vì là vùng đất giao thoa xuyên lục địa mà, văn hóa Ai Cập đa dạng và cởi mở. Cũng áo chùng che gót chân cả nam lẫn nữ; nhưng phụ nữ không phải che mặt còn nam giới thì mắt lúng liếng, miệng luôn cười, nói năng hoạt bát. Là người châu Phi nhưng ở phía Bắc cho nên da người Ai Cập không đen. Đàn ông thì cao to, mày rậm, mắt đen thẳm, râu quai nón. Đàn bà thì mũi cao, mắt to, vóc người tròn, nhưng nhờ cao ráo cho nên ngộ gái. Khách thắc mắc, tại sao đa số phụ nữ Ai Cập phì nhiêu về vóc dáng? Có lẽ do thẩm mỹ của nam giới Ai Cập cho rằng, phụ nữ đẹp là phải đẫy đà?.
Ai Cập chiếm một phần Sa mạc Sahara và Sa mạc Libya. Trong sa mạc thuộc Ai Cập có nhiều ốc đảo. Mỗi ốc đảo là một vùng đất xanh tươi, màu mỡ; cũng là nơi du khách tìm đến để nếm mùi sống hoang dại với gió và cát, với trăng và sao.
Tác giả tại kim tự tháp Giza – Ai Cập
Đất Ai Cập thì rộng, nhưng chỉ sử dụng được khoảng 10% ở những vùng bám theo sông Nile và biển Đỏ. Khí hậu Ai Cập đỏng đảnh như gái dậy thì, nóng thì từ 400C đến 500C, lạnh thì từ 100C đến 00C. Đó là chưa nói đến những cơn bão cát của hoang mạc, nó hình thành bất ngờ rồi cuốn tung và phủ bụi tất cả những gì nó đi qua. Chỉ riêng thành phố biển Đỏ Hurghada có khí hậu ôn hòa, từ 200C đến 300C quanh năm. Một đất nước mưa không thuận, gió không hòa vậy nguồn thu của Ai Cập từ đâu?
Ai Cập hái ra tiền là nhờ có sông Nile (tác giả sẽ giải thích trong bài Sông Nile tiếp theo), 138 kim tự tháp (tính đến 2008), nhiều đền cổ, dầu, du lịch, vận chuyển đường thủy, nông nghiệp và môi giới kinh doanh. Ai cập có trữ lượng dầu đứng hàng thứ sáu trong khối Ả Rập. Ai Cập cung cấp khoảng trên 50% sản lượng sợi và vải cotton cho thế giới. Du lịch là nguồn thu quan trọng, du khách thế giới đến Ai Cập đã đóng góp hơn 15% thu nhập quốc dân.
Giao thông Ai Cập rất xôm tụ: máy bay, tàu thủy, xe ngựa, cưỡi ngựa, lạc đà. Hệ thống xe bus có mặt khắp tỉnh thành. Còn xe lửa cũng kết nối mọi thành phố từ Aswan đến Alexandria với 5000 km đường ray.
Ai Cập có nhiều trường đại học có truyền thống lâu đời nhất thế giới, trong đó phải kể đến trường Alexandria nổi tiếng trong truyền thuyết. Nơi đây đã đào tạo ra những học giả Hy Lạp xuất chúng như Archimedes và Euclid.
Theo nhà tư vấn giáo dục Ai Cập, ông Sami E. Omara thì sự pha trộn giữa trí tuệ thông thái cổ xưa và kiến thức hiện đại chính là điểm mạnh của nền giáo dục đại học nước này. Ai Cập có 38 trường đại học lớn, 1.115 trường cao đẳng và nhiều học viện. Hiện nay Ai Cập có khoảng hơn 800.000 sinh viên nước ngoài đang theo học các ngành kỹ thuật hàng hải, kỹ thuật nguyên tử, kỹ thuật y khoa, tài chính đạo Hồi, kỹ thuật thiên văn và khảo cổ học. Hầu như các chương trình giáo dục đại học đều biên soạn bằng tiếng Anh. Tất cả sinh viên tốt nghiệp tại Ai Cập đều có việc làm từ Châu Phi và Trung Đông.
Giấc mơ Ai Cập
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi. Ảnh: AFP
Truyền thông nhà nước ngày 29/3/2018 thông báo, Abdel-Fattah el-Sissi đã thắng cử 97,0% trước đối thủ Mostafa Moussa 2,3% để trở thành Tổng thống Ai Cập nhiệm kỳ 2. Vì từ nhiệm kỳ 1, tháng 6/2014, ông đã từng bước đưa Ai Cập giảm xung đột biên giới, bản lĩnh hòa giải tranh chấp quyền lực trong nước và tập trung giảm thiểu khủng bố. Kinh tế Ai Cập cũng nhờ vậy mà phục hồi. Vị thế Ai Cập cũng nhờ vậy mà bừng sáng trên chính trường quốc tế.
Từ khi nắm quyền Tổng thống Ai Cập, ông Sissi đã và đang có nhiều đại dự án: Theo hãng NBC News (Mỹ) Ai Cập đã xây dựng một đại đô thị với hệ thống giao thông thông minh, môi trường xanh mát mắt với sức chứa khoảng 7 triệu người nhằm san sẻ bớt sự quá tải về nhiều mặt của Cairo hiện nay. Nhà nước Ai Cập dự tính sẽ chuyển bộ máy chính phủ về đại đô thị mới trong năm 2019, chỉ sau 4 năm khởi công xây dựng!
Năm 2015 chính phủ Ai Cập đã mở kênh đào Suez mới, một nguồn thu chiếm gần 20% ngân sách quốc gia. Không dừng lại ở đó, năm 2018 chính phủ Ai Cập đã công bố khởi động đại dự án năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới tại tỉnh Aswan.
Có vẻ như Ai Cập đang mơ, một giấc mơ không chỉ trở lại thời hoàng kim rực rỡ của quá khứ mà còn là giấc mơ trở thành nước giàu nhất khối Ả Rập ở thì hiện tại. Và rằng, những gì đã và đang diễn ra ở Ai Cập đã mách cho thế giới hiểu, Ai Cập còn có giấc mơ cao hơn, xa hơn, bay bổng hơn: Sẽ là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới trong 10 năm tới. Ai Cập ơi…
Công nhân xây dựng tại thủ đô tương lai của Ai Cập. Ảnh: AFP
…
Sau khi đi bụi từ Bắc xuống Nam Ai Cập, khách quay lại Cairo để bay về nước mình. Nhìn đồng hồ thấy còn chút thời gian, khách tạt vào khu chợ Khan Al-Khalili hơn 630 năm tuổi. Khu chợ sầm uất bán đủ thứ trên đời, từ hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật, vàng, bạc, đồng, quần áo, thảm, tranh, ảnh cho đến gia vị nấu ăn. Khách ngạc nhiên, oh, người bán hàng toàn là nam giới. Ngồi ở quán nước quan sát từng đoàn du lịch nườm nượp kéo vào khu chợ cổ, khách cảm nhận sâu sắc thế nào là một nền kinh tế hồi sinh.
Bước vào một gian hàng bán tranh vẽ trên giấy Papyri (tên một loại lau sậy mọc vô số ven sông Nile), khách chỉ định ngắm nghía cho đã thèm. Thế nhưng anh chàng bán hàng Ai Cập đem hết tranh này đến tranh khác ra chào mời, miệng nói năng dẻo quẹo, đã làm khách cầm lòng không đậu. Khách mở hầu bao vì mê tranh thì ít, vì cảm động trước tinh thần kinh doanh chịu thương, chịu khó của người tiểu thương Ai cập thì nhiều.
Mong cho giấc mơ của người dân Ai Cập trở thành hiện thực.
Còn Việt Nam của chúng ta mơ gì?
Tạ Thị Ngọc Thảo
Comments are closed.