Cuốn sách Thư pháp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Kỷ lục gia Võ Dương lập Kỷ lục Thế giới
Sáng ngày 20/6/2019, diễn ra sự kiện Lễ trao tặng sách thư pháp “Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp – Những năm tháng cuộc đời” của Kỷ lục gia, Nghệ nhân quốc gia Võ Hồng Dương cho Bảo tàng Tỉnh Quảng Bình nhân dịp Kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Bình (01/7/1989 – 01/7/2019). Đây cũng là dịp cuốn sách được Liên Minh Kỷ lục Thế giới – WORLDKINGS xác nhận Kỷ lục Thế giới.
Cuốn Thư pháp được đặt trang trọng trong Bảo tàng tỉnh Quảng Bình
Nghệ nhân quốc gia, Kỷ lục gia Võ Dương cho biết: Sau khi được sự đồng ý của gia đình Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mua bản quyền từ Nhà xuất bản Trẻ TP.HCM cho nội dung cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – Những năm tháng cuộc đời”, anh đã dành gần 2 năm miệt mài thực hiện bằng nghệ thuật thư pháp chữ Việt (từ tháng 2/2017 – 9/2018) với vô vàn khó khăn.
Nghệ nhân quốc gia, Kỷ lục gia Võ Dương phát biểu tại buổi lễ
Cuốn sách được hoàn thiện với kích thước 204cm chiều cao, chiều rộng là 136cm. Bìa cuốn sách được chạm trổ bằng tay trên một loại gỗ quý là Gỏ đỏ.
Trên mặt bìa, chân dung cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp kích thước 50x70cm được chạm nổi 3D trên gỗ sau đó dát vàng thật 24k.
Toàn bộ 250 trang nội dung bên trong được được viết tay chữ Thư pháp Việt, trên chất liệu vải bố (Calvat), mực Tàu và Acrylic kèm theo những hình ảnh được in bằng công nghệ in 3D. Mỗi trang nội dung nặng 1.5kg, gồm 5 lớp (2 lớp vải bố + 3 lớp keo) kích thước 96cm x 165cm.
Bút tích của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp được họa trong trang đầu tiên của quyển sách
Những nét chữ Thư pháp mềm mại của tác giả
Cuốn sách được chia thành 5 lốc và xen kẽ là 5 tác phẩm đặc biệt bao gồm: 01 tác phẩm điêu khắc gỗ bài viết của Đại tướng về ngành Hàng không Việt Nam; 02 Tác phẩm đá quý “Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp”; 01 Tác phẩm sơn dầu “Pháo Đài Điện Biên Phủ”.
Hai tác phẩm “Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp” bằng đá quý
Sau tất cả các công đoạn tạo nên một cuốn sách hoàn chỉnh, bên ngoài có khóa bằng đồng thau kích thước 41cm.
Đi kèm với cuốn sách còn là 15 tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi cùng năm tháng”, “Đại tướng đầu tiên”, “Nụ cười thân thương”… bằng nhiều chất liệu khác nhau.
Các thông tin chính của cuốn sách được đặt trong khu vực trưng bày để khách tham quan hiểu rõ hơn về tác phẩm
Đây là cuốn sách đã được ghi nhận Kỷ lục Việt Nam ngày 20/12/2018 và được đề xuất Kỷ lục lên Hội đồng Liên minh Kỷ lục Thế giới sau đó. Đầu tháng 6, Liên minh Kỷ lục Thế giới chính thức xác lập Kỷ lục Cuốn sách Thư pháp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam, Thường trực Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đánh giá cao tâm huyết, sự sáng tạo của Nghệ nhân – Kỷ lục gia Võ Dương trong việc tạo nên một tác phẩm giá trị về cả hình thức và nội dung. Ông cho rằng cuốn sách sẽ giúp nhiều thế hệ tri thức và mọi người trong xã hội có trách nhiệm để suy nghĩ nhiều hơn về việc họ sẽ làm gì để tạo ra những giá trị thực sự để lại cho đời.
Ông TRẦN HOÀNG – Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam, Thường trực Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, được sự ủy quyền của Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings tham dự trao bằng KLTG đến Nghệ nhân Quốc gia – Kỷ lục gia Võ Dương.
Kỷ lục gia Võ Dương giới thiệu về cuốn sách với đông đảo khách tham quan
Cuốn sách đã được Kỷ lục gia Võ Dương trao tặng lại cho Bảo tàng Tỉnh Quảng Bình với mong muốn mọi người đến tham quan sẽ có dịp hiểu hơn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chính nơi đã sinh ra vị Đại tướng huyền thoại – Vị Đại tướng của nhân dân.
Kỷ lục gia, nhà thư pháp Võ Dương, tên thật là Võ Hồng Dương, sinh năm 1981, quê quán tại Quảng Nam, hiện sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Anh được mọi người biết tới qua nhiều tác phẩm nổi tiếng về Thư pháp lập Kỷ lục Việt Nam như Cuốn sách “Kinh Vu lan và Báo hiếu” (năm 2014), Cuốn sách“Những lời dạy của Bác Hồ” (năm 2016), và gần nhất nhất là cuốn sách “Đại tướng của nhân dân – Võ Nguyên Giáp – Những năm tháng cuộc đời” (năm 2018) toàn bộ được viết bằng thư pháp chữ Việt.
Tin: Quỳnh Ngọc, Ảnh: Tường Vân – Kỷ lục VietKings
Comments are closed.